Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Cô bé tí hon

Ngày xưa có một bà hiếm hoi, mong có một đứa con mà mãi không được. Bà phải tìm đến một mụ phù thủy để nhờ giúp. Bà nói:

- Tôi muốn có một đứa con, bà bảo giùm tôi phải làm thế nào.

- Ta sẽ giúp - mụ phù thủy trả lời - Hãy cầm hạt lúa này. Nó không giống như lúa mì vẫn mọc ngoài đồng, cũng không giống lúa vẫn cho gà vịt ăn. Đem về gieo vào chậu hoa, một thời gian sau sẽ biết.

- Cảm ơn bà - bà hiếm con trả công và chào mụ phù thủy rồi đem hạt lúa về nhà gieo. Chẳng mấy chốc nó mọc thành một cây hoa tuyệt đẹp, giống như hoa uất kim cương, nhưng cánh hoa cuộn lại như một cái nụ.

- Hoa đẹp quá!- Bà thốt lên và đặt môi lên hoa. Nhưng bà đang hôn bông hoa thì bỗng có tiếng động mạnh làm hoa bừng nở. Nhìn bông hoa, bà ngạc nhiên thấy ở giữa bông hoa có một cháu bé xinh đẹp ngồi trên nhụy hoa, như ngồi trên chiếc ghế tựa màu xanh. Bé chỉ lớn bằng ngón tay cái nên bà đặt tên cho bé là Bé tí hon.

Bà lấy vỏ hạt dẻ để làm cho bé một chiếc nôi rất đẹp, bên trong trải nệm bằng cánh hoa tím, chăn đắp cho bé là một cánh hoa hồng. Ban đêm bé ngủ ở đấy, còn ban ngày bé chơi trên bàn. Bà đặt trên bàn một cái đĩa đựng đầy nước, vành đĩa khoanh một vòng hoa. Cánh hoa nổi trên mặt nước. Có một cánh hoa cánh hoa uất kim cương to dùng làm thuyền. Bé ngồi vào đấy dạo chơi như dạo thuyền, một chiếc lông ngựa dùng làm mái chèo. Bé vừa chèo vừa hát, giọng thật êm ái, dịu dàng.
Một đêm, bé tí hon đang ngủ, bỗng một con cóc to tướng vừa béo vừa nhớt trông phát khiếp chui qua ô kính vỡ trên cửa sổ vào phòng và nhảy lên bàn, nơi cô bé tí hon đang ngủ dưới cánh hoa hồng.

Nó nghĩ thầm:

- Con trai mình được con bé này làm vợ, hẳn là cu cậu sướng mê.

Thế là nó chộp lấy cái vỏ hạt dẻ, trong có Bé tí hon đang ngủ, chui qua ô kính vỡ nhảy ra vườn. Trong vườn có một dòng suối nhỏ, hai bờ lầy lội. Đấy là chỗ ở của hai bố con nhà cóc. Khiếp! Cóc con cũng béo phị như bố, trông rất sợ. Hai bố con sao giống nhau đến thế!

Công chúa và hạt đậu

Ngày xưa, có một hoàng tử muốn cưới một nàng công chúa, nhưng công chúa phải cho ra công chúa, phải hoàn thiện toàn mỹ. Hoàng tử bèn chu du khắp thiên hạ để kén vợ. Công chúa thì chẳng thiếu gì, nhưng nàng nào cũng có vài nhược điểm hoặc tật xấu. Thế là một ngày kia, hoàng tử đành buồn rầu trở về nhà.

Đến tối, nổi lên một cơn giông tố kinh khủng. Mưa ào ào như xối. Có tiếng gõ cửa lâu đài. Lão vương thân chinh ra mở cửa.

Bên ngoài là một nàng công chúa, nhưng mưa gió đã làm cho nàng tiều tụy quá thể. Đầu tóc, quần áo nàng võng những nước và còn nhỏ giọt từ mũi xuống giầy nàng. Nàng tự giới thiệu nàng là công chúa toàn thiện toàn mỹ mà hoàng tử đang chờ đợi. Hoàng hậu nghĩ thầm: "Được, cứ để xem xem !" . Rồi hoàng hậu vào buồng ngủ thắp đèn lên và nhét một hạt đậu xuống dưới đệm giường. Sau đó ngài đặt hai mươi cái đệm chồng lên trên cái đệm đã đặt trước. Đấy chính là cái giường dành cho công chúa.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Hoàng tử Ếch


HOÀNG TỬ ẾCH
Ngày xửa, ngày xưa có một ông vua sống cùng ba cô công chúa trong một lâu đài trên một vùng đất xa. Một ngày nọ, trong khi vua cha đang suy nghĩ về ba cô con gái, ông nẩy ra một dự định tìm chồng cho họ. cổ tích thế giới


Đến thời gian ba công chúa kết hôn, vua cha tuyên bố ý định của ông. Vua cha nói, “Ta sẽ lấy ba viên ngọc qúy đến suối nước giữa làng. Các chàng trai sẽ gặp nhau ở đấy trong ba ngày. Chàng trai nào tìm được viên ngọc sẽ là chồng con gái ta.”

Hôm sau, nhà vua chọn ba viên ngọc – một viên ngọc lục bảo, một ngọc rubi, và một viên kim cương – và mang chúng vào làng. Vua đi chung quanh các chàng trai với ba viên ngọc trong tay. Đầu tiên vua đánh rớt viên ngọc lục bảo, sau đó rubi, và tiếp là viên kim cương. Một chàng trai khôi ngô đã nhặt được viên ngọc lục bảo. Sau đó một hoàng tử giàu có đã phát hiện viên hồng ngọc và cúi xuống nhặt nó. Nhà vua rất đổi vui mừng. Thế nhưng sau đó một con ếch đã nhảy về phía viên kim cương và nhặt được nó. Ếch mang viên kim cương tới nhà vua và nói, “Tôi là hoàng tử Ếch. Tôi xin được cầu hôn với công chúa thứ ba.” cổ tích

Lúc vua cha nói với Tina, công chúa thứ ba, về hoàng tử Ếch, cô ta từ chối lời cầu hôn. Người dân trong làng khi nghe chuyện ấy, họ cười to và chế nhạo. “Có bao giờ các ngươi nghe tin này chưa?” Họ bàn tán với nhau. “Công chúa Tina sắp kết hôn cùng một con ếch!”
Tina đã cảm thấy khủng khiếp. Cô than, “Tôi là bất hạnh nhất trần gian.” Công chúa nhào xuống sàn và khóc thổn thức. Không có ai thương cô, cô tin như vậy. Vua cha đã không hiểu con gái. Công chúa giấu bạn bè và cất nỗi đau trong trái tim. Công chúa chìm dần trong nỗi buồn, buồn hơn theo từng ngày. Hai người chị đã có đám cưới linh đình. Tiếng chuông đám cưới đổ dòn với niềm vui khắp làng. truyen co tich

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Bác nông dân và con quỷ

Xưa có một bác nông dân khôn ngoan ranh mãnh, mẹo vặt của bác thì không sao kể hết được. Lý thú nhất là chuyện bác có lần lừa được cả quỷ. 

Một hôm, trời xẩm tối, bác cày ruộng xong, sửa soạn về nhà thì thấy ở trên mảnh ruộng của mình một đống than hồng. Bác lấy làm lạ đến gần thì thấy một con quỉ nhỏ đen xì ngồi trên lửa. Bác bảo: 

- Mày ngồi trên đống của đấy à? 

Quỷ đáp: 

- Đúng rồi, ngồi trên đống của, chú mày suốt đời chưa thấy nhiều vàng bạc đến thế đâu! 

Bác nông dân nói: 

- Của cải trên đất của ta là thuộc về ta. 

Quỷ đáp: 

- Ừ, nó thuộc về chú mày, nếu chú mày làm ruộng hai vụ, hoa lợi được bao nhiêu chú mày chịu chia cho ta một nửa. Tiền thì ta có khối, ta chỉ thèm có ít hoa lợi thôi. 

Bác nông dân nhận lời, bảo: 

- Để sau này chia nhau khỏi lôi thôi, mày sẽ lấy cái gì mọc ở trên mặt đất, tao sẽ lấy cái gì mọc ở dưới. 

Quỷ đồng ý. Bác nông dân đa mưu trồng củ cải. Đến mùa bới củ cải, quỷ hiện lên để lấy phần hoa lợi của mình thì chỉ thấy rặt có lá úa vàng, còn bác nông dân thì được bới củ, thích chí lắm. Quỷ bảo: 

- Thôi được, chú mày đã lừa được ta một chuyến, chuyến sau thì đừng có hòng. Cái gì mọc trên mặt đất thì chú mày lấy, còn ta sẽ lấy cái gì mọc ở dưới. 

Bác nông dân đáp: 

- Thế cũng được. 

Đến mùa, bác không trồng củ cải nữa mà gieo lúa. Lúa chín, bác ra đồng cắt lúa gần sát đất. Quỷ đến thấy chỉ có gốc rạ tức quá chui xuống vực. Bác nông dân nói: 

- Ấy đối với cáo già thì phải cho một vố như thế. 

Rồi bác đi lấy của.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Sự tích chim tu hú


CHIM TU HÚ
Ngày xưa có 2 nhà sư tên Lăng Nhẫn và Bất Nhẫn cùng xuất gia từ lúc nhỏ. Sau một thời gian dài tu luyện Lăng Nhẫn thành chính quả còn Bất Nhẫn không được như bạn nên buồn lắm. Bất Nhẫn kêu nài với đức phật thì ngài giải thích do tính tình nhà sư vẫn chưa thuần, cần phải tu luyện thêm rồi sau mới đắc đạo.

Bất Nhẫn lên núi tu theo lối trường định, nhà sư quyết tâm ngồi im dưới một gốc cây đúng 3 năm mới thôi. Thời gian trôi qua nhanh, hơn 2 năm sau bỗng có cặp vợ chồng chim chích đến làm tổ dưới tai nhà sư. Bất Nhẫn vẫn không động đậy. Một hôm chim mái đi tìm thức ăn thì bị kẹt trong một bông sen trong hồ mãi tới sáng mới về. Chim chồng nổi ghen mắng nhiếc thế là 1 cuộc đấu khẩu diễn ra dữ dội trên tai nhà sư, thêm vào đó đàn con đói khóc điếc cả tai khiến Bất Nhẫn tức tối giật tổ chim quăng xuống đất. Thế là công sức tu luyện gần 3 năm trời của Bất Nhẫn sắp hoàn thành nay bỗng chốc tiêu tan trong chốc lát.

Bất Nhẫn không nản chí và để tỏ rõ sự hối lỗi của mình, nhà sư tình nguyện làm người đưa đò trên song không lấy tiền và hứa sẽ trở đủ 100 người mới nghỉ tay. Chẳng bao lâu đã chở được 98 người mà không xảy ra chuyện gì.

Một hôm có người đàn bà dắt đứa bé qua sông. Mới bước xuống thuyền đã hách dịch buông lời dọa nạt. Tới bên kia bờ bà ta kêu bỏ quên túi hành lý, bắt Bất Nhẫn phải quay lại lấy cho bà ta. Dù tức tối trong lòng nhưng nhà sư trẻ cố nhịn nhục làm theo ý bà ta. Nhưng lấy được hành lý xong, bà ta lại kêu thiếu đôi giày và bắt Bất Nhẫn quay lại lần nữa. Bất Nhẫn nổi nóng mắng bà ta một trận, không ngờ người đàn bà ấy là phật quan âm tới thử lòng nhà sư trẻ. Ngài hiện ra nguyên hình nói: “Ngươi vẫn chưa thực tâm nhẫn nhục như thế thì tu gì mà tu, có mà tu hú. Tức thì phật quan âm phất nhẹ tay áo một cái, Bất Nhẫn biến thành một loài chim lạ mà người đời sau gọi là chim Tu Hú.
http://hcm.eva.vn/lam-me/su-tich-chim-tu-hu-c10a139266.html

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Con thần mã

CON THẦN MÃ
Ngày xưa, có một khu rừng đen, rất nhiều thú dữ, rắn độc, thường ra bắt người ăn thịt. Người qua lại đều phải đi vòng quanh rất xa. Các thợ đi săn xa gần đều không ai dám đến săn bắn ở rừng đen, vì nửa năm trước đây đã có hai người đi săn trẻ tuổi bị hổ báo ăn thịt. Việc đó làm cho mọi người đi săn lo lắng và hổ thẹn, nhưng khong tìm được cách nào tốt để trừ hại tận gốc.

Lúc đó, có một người đi săn trẻ tuổi tên là Cát Linh đã có một chú ý riêng. Mỗi khi có người nhắc tới khu rừng đen, Cát Linh đều bỏ đi không nói không rằng. Tối tối dưới trăng Cát Linh luyện tập cung tên suốt cả đêm. Một trăm ngày sau, tài bắn cung của Cát Linh đã đạt đến mức tài giỏi, phi thường. Trong vòng một trăm hai mươi bước, chàng bắn trăm phát trúng cả trăm. Nhưng việc đó, ngoài mẹ chàng ra, thì không một ai biết. 

Một hôm, trời vừa sáng, Cát Linh đã mang cung tên vào một khu rừng nhỏ tìm súc vật để thử tài bắn của mình. Rừng hoang vắng, một con thỏ cũng không thấy. Cát Linh hơi sốt ruột, chàng chợt ngẩng đầu lên nhìn thấy một con chim ưng hung ác đang lao vụt như tia chớp săn đuổi một con chim bách linh xinh đẹp. Muốn cứu chim bách linh, trừng trị chim ưng hung ác, Cát Linh liền giương cung lắp tên. Chỉ nghe một tiếng “vút”, mũi tên nhọn đã xuyên qua đầu con chim ưng. Chim bách linh được cứu thoát. 

Cát Linh trong lòng vui sướng, định quay về nói cho mẹ rõ. Bỗng nhiên trước mặt chàng hiện ra cô gái cực kỳ kiều diễm, quần áo sáng lấp lánh. Cát Linh chợt nhớ tới chuyện Liên Hoa Thánh Nữ mà các cụ già thường nói tới. Chàng bất giác vừa lo vừa mừng, đứng ngẩn ra một lát, vừa định nói thì cô gái đã lên tiếng trứơc: 

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Nàng Tiên cá

NÀNG TIÊN CÁ
Tít ngoài biển khơi kia, nước xanh hơn cánh đồng hoa mua biếc nhất, trong vắt như pha lê, nhưng sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi neo buông không tới đáy, phải chồng chất vô số ngọn núi đá mới lên tới mặt nước. 
Chớ tưởng rằng đáy bể chỉ toàn là cát trắng. Nơi đấy, cỏ cây vẫn mọc, những loại cây kỳ diệu, thân lá mềm mại đến nỗi một gợn nước cũng có thể làm cho cây đu đưa. Cá lớn; cá bé lướt giữa những cành lá như chim bay qua các vòm cây trên mặt đất. Nơi sâu nhất, sừng sững lâu đài của vua Thủy Tề, tường bằng san hô, cửa sổ cao hình cung nhọn, bằng hổ phách trong suốt, mái lợp tòan vỏ ốc, mở ra khép vào theo chiều nước. Thật là tráng lệ! Nguyên một trong những hạt ngọc nằm trong từng vỏ ốc cũng đủ trang sức cho mũ miện của một bà Hoàng Hậu rồi. Vua Thủy Tề góa vợ từ lâu, công việc trong cung do Hoàng Thái hậu điều khiển. Bà là người khôn ngoan, nhưng rất kiêu hãnh về dòng dõi quý tộc của bà. Bà cài tới mười hai con ngọc trai ở đuôi, trong khi những bà khác trong Hòang tộc chỉ đeo đến sáu con là cùng. Bà có nhiều đức tính tốt, nhưng tốt nhất là bà rất mực yêu thương các cô cháu gái, các nàng công chúa nơi thủy cung. Các cô nàng đều xinh đẹp, riêng nàng út đẹp hơn cả. Nàng có làn da nhỏ mịn như cánh hồng, có đôi mắt xanh thẳm như nước biển. Nhưng nàng cũng giống các chị, không có chân, chỉ có một cái đuôi như đuôi cá. 
Suốt ngày các nàng nô đùa trong những cung thất rộng rãi, hoa nở khắp các hốc tường. Cửa sổ bằng hổ phách mở rộng, cá tung tăng bơi vào như chim én bay vào nhà chúng ta khi cửa ngỏ. Chúng xán đến cho các công chúa vuốt ve. 
Trước lâu đài là một vườn rộng, cành lá xanh thẫm, quả vàng lóng lánh, cánh hoa đỏ ửng tựa than hồng, cùng với cuộng hoa rung rinh không ngớt. Mặt đất toàn một thứ cát rất mịn, xanh như ngọn lửa diêm sinh. Một luồng ánh sáng xanh biếc huyền diệu chiếu tỏa khắp nơi. Khi gió lặng, sinh vật dưới đáy biển có thể nhìn thấy mặt trời lóng lánh như một ông hoa đỏ thắm đang tỏa ánh sáng xuống đáy biển. 
Mỗi nàng công chúa có một khoảnh vườn nhỏ để có thể vun xới, trồng trọt theo sở thích. Nàng này sắn luống theo hình cá voi, nàng kia theo hình tiên cá, nàng út sắn luống thành hình tròn như vầng thái dương, trồng thuyền thành một loài hoa đỏ tía như mặt trời. 

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Cổ tích bốn mùa

BỐN MÙA


Khi Mùa Xuân chuẩn bị ra đi thì Mùa Hè đến. Mùa Hè mang đến cho Mùa Xuân một bó hoa hồng rất đẹp và nói:
- ” Mùa Xuân ơi, hãy tin tôi, tôi thật lòng yêu em! Xin hãy ở lại với tôi, chúng ta sẽ cùng dạo chơi đến tất cả những nơi mà em muốn. ”
Nhưng! Mùa Xuân không yêu Mùa Hè và cô ra đi. Mùa Hè buồn lắm. Mùa Hè ốm, nhiệt độ lên cao. Mọi thứ xung quanh trở nên nóng bỏng…và cứ thế hè sang đỏ lửa!

Sau một thời gian, Mùa Thu đến, mang theo rất nhiều trái cây ngon. Mùa Thu rất yêu Mùa Hè. Cô không muốn Mùa Hè phải buồn.

- ” Mùa Hè ơi, đừng buồn nữa! Hãy ở lại với em. Em sẽ mang lại hạnh phúc cho anh, đừng đi anh nhé! ”
Nhưng! Với Mùa Hè, Mùa Xuân là tất cả và anh ra đi. Mùa Thu khóc, khóc nhiều lắm. Mọi thứ xung quanh trở nên ướt !

Thời gian rồi lại qua, Mùa Đông đến, mang theo cậu con trai của mình là Băng Giá. Những giọt nước mắt của Mùa Thu làm Băng Giá cảm thấy xao xuyến. Băng giá cảm thấy muốn đem lại hạnh phúc cho Mùa Thu:

-” Mùa Thu ơi, hãy ở bên tôi. Tôi sẽ xây cho em những lâu đài, những con đường bằng băng. Tôi sẽ hát cho em nghe những bài tình ca hay nhất. Hãy ở bên tôi Mùa Thu nhé! ”
” Không, Băng Giá ạ. Ở bên anh tôi sẽ luôn cảm thấy lạnh lẽo thôi! ”
Và Mùa Thu ra đi. Băng Giá buồn! Gió thổi mạnh. Chỉ trong một đêm thôi, mọi thứ trở nên trắng xóa bởi tuyết.

Mùa Đông thấy con như vậy thì buồn lắm. Bà nói:
- ” Tại sao con không yêu Mùa Xuân? Cô ấy đã đến và hứa sẽ mang lại cho con hạnh phúc ! ”
- ” Không mẹ ơi, con không yêu Mùa Xuân. Chúng ta hãy rời khỏi đây được không Mẹ? ”
Và họ ra đi….

Chim ưng thần

CHIM ƯNG THẦN
Ngày xưa, có một ông vua trị vì vào thời nào, tên gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có một cô con gái duy nhất, cô lại đau ốm luôn, không thầy thuốc nào chữa khỏi được. Nghe lời tiên tri là công chúa ăn táo sẽ khỏi bệnh, nhà vua liền cho truyền báo khắp trong nước: ai dâng lên cho công chúa thứ táo ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật, người ấy sẽ được kết duyên cùng nàng và lên ngôi vua.
Một bác nông dân có ba người con trai cũng hay được tin ấy. Bác liền bảo người con trai cả:
- Con lên buồng kho, lấy một giỏ đầy táo ngon chín đỏ ối, rồi mang vào tiến vua. May ra công chúa ăn táo ấy mà khỏi hết bệnh tật thì con sẽ được phép kết duyên cùng nàng, rồi lên nối ngôi vua cha.
Người con trai cả làm như lời cha dặn và lên đường ra đi. Chàng đi được một thôi đường thì gặp một ông già bé tí hon, tóc hoa râm, ông hỏi chàng mang gì trong giỏ. Chàng trai - tên là Ulrich - đáp:
- Toàn là chân ếch thôi!
Nghe vậy, người Tí Hon nói:
- Ồ thì cứ coi như là vậy đi và cũng chỉ là như vậy.
Nói xong, người Tí Hon lại tiếp tục đi.
Đi hoài, đi mãi, cuối cùng Ulrich đã tới được cung vua. Chàng báo là mình có mang loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật. Nghe tin ấy, vua mừng lắm, cho đòi Ulrich vào. Nhưng ôi thôi, khi chàng mở giỏ ra thì chẳng thấy táo đâu mà chỉ toàn chân ếch nằm trong giỏ, chân ếch hãy còn tươi đang ngọ ngoạy. Việc ấy làm vua nổi giận, cho lính xua đuổi chàng ra khỏi cung điện. Về đến nhà, chàng kể lại cho cha nghe đầu đuôi câu chuyện.

Chim Sơn Ca

CHIM SƠN CA
Xưa có một người trước khi đi xa từ biệt ba con gái, hỏi các con muốn lấy quà gì. Cô cả muốn lấy ngọc, cô thứ hai xin kim cương, cô út nói: 

- Thưa bố, con chỉ thích được một con chim sơn ca vừa nhảy nhót vừa hót véo von. 

Bố bảo: 

- Được, nếu có thì bố sẽ mang về cho con. 

Rồi bố hôn ba con ra đi. 

Đến ngày về, ông bố mua được đủ ngọc và kim cương cho hai con lớn. Còn chim sơn ca nhảy nhót và hót véo von, thì ông tìm khắp nơi mà chẳng thấy. Ông lấy làm buồn lắm vì cô út là con cưng của ông. Ông đi qua một khu rừng trong đó có một tòa lâu đài lộng lẫy. Bên lâu đài có một cái cây. Tít trên ngọn cây, ông thấy một con chim sơn ca vừa nhảy vừa hót véo von. 

Ông mừng quá kêu lên: 

- Chà! Chú mày hiện ra thật đúng lúc. 

Ông bèn gọi đầy tớ bảo trèo cây bắt chim. Nhưng khi ông vừa bước lại gần bỗng có một con sư tử nhảy chồm lên, quẫy người gầm, làm chuyển động cả cành lá. Sư tử hét lên: 

- Ta sẽ ăn thịt đứa nào lấy trộm con chim sơn ca nhảy nhót hót véo von của ta. 

Sự tích hồ Hoàn Kiếm


HỒ HOÀN KIẾM
Vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, thiên hạ căm giận chúng đến xương tủy. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần nghĩa quân bị thua. Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.

Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Thận thả lưới ở một bến vắng như thường lệ. Khi kéo lưới lên, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm, chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay vào bắt cá, Thận chỉ thấy có một thanh sắt; chàng vứt luôn xuống nước, rồi lại thả lưới ở một chỗ khác.

Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay; Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba, lại vẫn thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận đưa lại mồi lửa nhìn xem. Bỗng chàng reo lên:

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Sự tích cây Vú Sữa



HÌNH ẢNH CÂY VÚ SỮA
Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Ví quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.
-“Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”.
Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ đi- đâu rồi, con đói quá ! – Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.
Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé.
Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá
Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá.
Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.
Cây rung rinh cành lá, thì thào :
“Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”.

Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.
Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…
Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

Sự tích Trầu Cau

TRẦU CAU
Ngày xưa, một nhà nọ có Tân và Lang là hai anh em ruột, đặc biệt dáng người và mặt mày giống nhau như đúc, đến nỗi chính người nhà cũng nhiều phen nhầm lẫn. Cha họ là một người cao to nhất trong vùng đã từng được vua Hùng triệu về Phong-châu ban thưởng và đặt tên là Cao. Từ đó gia đình lấy tiếng "Cao" làm tên họ. Hai anh em lớn lên thì cha mẹ nối nhau qua đời. Cả anh lẫn em quyến luyến nhau không chịu rời nửa bước. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu. Nhưng khi Tân đến theo học thì Lang không chịu ở nhà một mình, chàng cũng cố xin cùng được học với anh một thể. Nhà họ Lưu có một cô con gái cũng cùng lứa tuổi với họ. Để tìm hiểu người nào là anh người nào là em, một hôm cô gái họ Lưu bày ra một mẹo nhỏ. Giữa lúc họ đang đói, nàng chỉ dọn cho họ một bát cháo với một đôi đũa. Đứng sau khe vách, nàng thấy người này nhường cháo cho người kia ăn. Nàng lẩm bẩm: "à ra anh chàng vui tính kia là anh!". Từ đó giữa Tân và cô gái có nhiều cuộc gặp gỡ. Tình yêu giữa hai người mỗi ngày một khăng khít. 

Thấy thế, đạo sĩ họ Lưu vui lòng gả con cho Tân. Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở một ngôi nhà mới, có Lang ở chung. Từ ngày lấy vợ, Tân tuy vẫn chiều chuộng em nhưng không âu yếm em như trước nữa. Trước kia Lang thường được anh chăm sóc nhưng bây giờ thì chàng có nhiều ngày cô đơn. Lang nhận thấy nhiều khi Tân muốn lánh mình. "Phải rồi, anh ấy mê vợ quên ta". Trong lòng Lang đầy chán nản buồn bực. Một hôm Lang và Tân cùng lên nương đến tối mịt mới về. Lang về trước. Chàng vừa bỏ chân lên ngưỡng cửa thì vợ Tân từ trong buồng chạy ra ôm chầm lấy mình. Lang kêu lên. Cái nhầm của chị dâu làm cho cả hai người cùng ngượng nghịu xấu hổ. Giữa lúc đó thì Tân bước vào nhà. Từ đây Lang lại biết thêm một tính tình mới của anh. Tân ghen em. Cái ghen càng tăng thêm sự hững hờ của Tân đối với chàng. Lang vừa giận vừa thẹn. Chàng muốn bỏ nhà ra đi cho bõ ghét. Một hôm trời mới mờ sáng, Lang quyết định khởi hành. Chàng cứ theo con đường mòn đi mãi, trong lòng đầy bực bội oán trách. Đi luôn mấy ngày đường, Lang tới bờ một con sông lớn. Thấy nước chảy xiết, chàng lấy làm ngại ngùng. Xung quanh không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Nhưng Lang quyết không chịu trở lại. Lang ngồi cúi gục trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, khóc mãi, đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở. Sáng hôm sau, Lang chỉ còn là một cái xác không hồn. Chàng đã hóa đá. 

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Sự tích Hoa Cẩm Chướng



HOA CẨM CHƯỚNG
Câu chuyện tình của một cô công chúa tóc dài sống lẻ loi trong cung điện trên vùng thượng nguồn. Trời cao nguyên lành lạnh đủ làm tăng màu đen óng ả của mái tóc, làm căng làn da mặt trắng hồng mịn màng như bông, làm màu đỏ của đôi môi người con gái như mọng hơn lên trong màn sương sáng, và nhất là làm đôi mắt ướt của nàng như sáng long lanh trong những giọt sương…Cẩm chướng đẹp nổi tiếng khắp nơi, nhưng đồng thời nàng bao giờ cũng mang một vẻ buồn.

Sở dĩ nàng phải chịu cảnh sống lẻ loi giữa vùng hẻo lánh này chỉ vì lời tiên đoán của một lão ông với vua cha, khi nàng vừa chào đời, rằng nàng sẽ phải chịu nhiều bất hạnh. Vua cha vì sợ, và thương con, nên đành đem nàng đi cất giấu nơi đèo heo khuất gió để tránh khỏi hung tà. Thế nhưng tiếng đồn xa gần về sắc đẹp của Cẩm chướng cũng lan nhanh, nhất là những buổi chiều khi giọng hát của nàng lan rộng khắp núi đồi, hoà vào hợp âm của những chú chim non hót véo von xung quanh, và những cơn gió reo bên ngoài…Bao nhiêu người đánh tiếng hỏi cưới nàng, nhưng vua cha một mực từ chối, thâm tâm vẫn để ý kiếm tìm một phò mã xứng danh…

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Sự tích con muỗi

CON MUỖI
Ngày xưa, có một người nông dân hiền lành tên là Ngọc Tâm, có một người vợ xinh đẹp tên là Nhan Diệp. Khác hẳn với tính tình đơn giản của chồng, quanh năm chăm chú làm ăn, người vợ lười biếng xa hoa, chỉ lo thỏa thê sung sướng.

Trong lúc hai vợ chồng tưởng chung sống với nhau đến răng long đầu bạc, thì Nhan Diệp bỗng lăn ra chết. Người chồng đau đớn quá, không muốn rời xa xác vợ, bèn bán hết tài sản, mua một chiếc thuyền chở quan tài vợ thả bồng bềnh trên mặt nước.

Một buổi sớm mai thuyền đi đến dưới chân một ngọn núi cỏ cây ngào ngạt, Ngọc Tâm lên bờ thấy đủ các kỳ hoa dị thảo, cây cối nặng trĩu trái thì lấy làm lạ bèn phăng lần lên cao. Lưng chừng núi, Ngọc Tâm gặp một ông lão tướng mạo phương phi, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc đang lần bước. Thấy người có vẻ tiên phong đạo cốt, đoán chừng là thần tiên ở núi Thiên Thai xuất hiện, Ngọc Tâm bèn sụp lạy, rồi thiết tha xin cứu tử hoàn sinh cho người vợ thương yêu.

Vị thần thương hại nhìn Ngọc Tâm hồi lâu rồi nói: 

- Ngươi còn nặng lòng vương vấn trần ai, chưa thoát được vòng tục lụy... Ta có thể giúp cho ngươi đạt ước vọng song về sau ngươi đừng có lấy làm ân hận!

Ngọc Tâm theo lời vị thần, dở nắp quan tài vợ ra, chích đầu ngón tay mình nhỏ ba giọt máu vào thi thể Nhan Diệp, thì người đàn bà từ từ mở mắt ra, rồi ngồi lên như sau một giấc ngủ dài.

Trước khi từ giã, vị thần bảo người đàn bà vừa sống lại:

- Đừng quên bổn phận của người vợ... Hãy luôn luôn nghĩ đến lòng thương yêu chung thủy của chồng... Chúc cho hai vợ chồng được sung sướng.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Sự tích Hoa Mười Giờ



HOA MƯỜI GIỜ
Truyện kể rằng ở một đất nước nọ, quanh năm chỉ có mùa đông băng giá, người đời không hề biết tới sự tồn tại của một ngôi làng nhỏ bé, nơi tràn ngập ánh nắng và quy tụ tất cả các loại hoa đẹp trên đời. Đó cũng là nơi yên tĩnh nhất và thơ mộng nhất trên thế gian. Trưởng làng là một người đàn bà góa chồng, một mình nuôi dưỡng đứa con trai độc nhất. Thời gian cứ thế trôi đi, thằng bé năm nào còn nằm trong nôi nay đã to khỏe và tuấn tú lạ thường. Kế thừa bản tính nhân hậu của mẹ, anh thường hay giúp đỡ dân làng trong những việc nặng nhọc nên rất được mọi người quí mến, nhà nào có con gái đến tuổi lấy chồng cũng ước ao con mình được lấy chàng trai đó về làm chồng.

Rồi ngày đó cũng tới, trái tim của cậu bé bắt đầu biết rung động: chàng trai đã yêu. Trai tài gái sắc, người con gái có một vẻ đẹp thuần khiết khiến ai ai cũng ngưỡng mộ. Ban ngày 2 người nắm tay nhau tản bộ trên bờ biển hoặc rong đuổi trên những ngọn đồi phủ đầy cỏ xanh, đi xuyên qua những bóng cây cổ thụ râm mát. Buổi trưa họ trải mình trên tấm nệm cỏ. Xế chiều họ cùng nhau nô đùa trên bãi cát trắng cho tới chiều tối. Cô gái mồ côi cha mẹ từ bé nên chỉ có người con trai là người thân duy nhất nên dành trọn tất cả tình cảm cho người yêu. Ngược lại cậu trai còn người mẹ già nên thường phải về nhà trước khi mặt trời lặn. Cô gái lại phải chờ tới sáng hôm sau để được gặp chàng trai.

Ngày này qua ngày khác, cứ đúng 10 giờ hai người hẹn nhau, tay trong tay vui đùa trước biển xanh. Tình yêu của họ tưởng chừng không gì có thể chia rẽ được. Nhưng một ngày nọ chàng trai không tới chỗ hẹn, cô gái đứng đợi, lâu rất lâu nhưng vẫn không thấy bóng dáng của người yêu.

Thời gian trôi đi, cô đã chờ được một ngày, vẫn không thấy chàng trai đâu, ngay lúc đó, người con gái tưởng chừng như bầu trời muốn sụp đổ. Cô muốn òa khóc nhưng sợ rằng người yêu tới nơi thấy đôi mắt đỏ hoe của mình sẽ buồn và lo lắng nên cô nuốt những giọt nước mắt đó vào trong lòng.

Sự tích Hoa Quỳnh

HOA QUỲNH
Ngày xưa, ngày xửa, khi mà định luật di truyền còn chưa kịp ra đời. Nhưng truyền thuyết tình yêu thì đã có. 
Nghe đâu là vào thời Tùy Dương - khoảng vào năm 600. Bên xứ sở Đại Quốc xa xôi.
Ở một xóm nhỏ nghèo nọ, gần một trường làng nhỏ, có một bà mẹ goá chuyên bán hàng ăn sáng cho những nho sinh nghèo. Sáng sáng, các nho sinh đi ngang qua, ghé vào mua một nắm xôi hay là gói bắp non đồ trộn vừng thơm phức. Vừa là để có ăn, vừa là để giúp cho bà mẹ goá có thêm chút tiền, một mình nuôi ba đứa con thơ có chồng mới chết trong chiến trận.
Có một số nho sinh ghé lại mua quà còn có một lý do đặc biệt khác.
Bởi là bà mẹ đó có một cô con gái tên là Quỳnh năm nay cô vừa tròn 15 tuổi. 
Vào thời đó, con gái ở độ tuổi ấy phần lớn là đã có gia đình. Hoặc ít ra là cũng đính ước với ai rồi. Nhưng Quỳnh thì chưa. Vì người thì chê nhà cô nghèo không môn đăng hộ đối. 
Người mà đem lòng yêu cô, mến cô thực sự thì lại quá nghèo, đến nỗi không sắm nổi một cơi trầu để đến dạm hỏi. 
Cho nên Quỳnh đành ở vậy, sớm sớm giúp mẹ ra bán gánh hàng để nuôi hai em khôn lớn.
Quỳnh thuỳ mỵ nết na, lại đẹp rực rở nhất vùng. Nên ai cũng mến và thương cô.
Khi Quỳnh nở nụ cười thì đoá trà mi lấp loá dưới ánh trăng. Khi cô buồn thì như một bông hồng khẽ ngậm sương long lanh trong nắng sớm. Ai mua gì, nói gì, đồng tình hay phật ý thì Quỳnh đều nhún người, nghiêng mình ba cái rồi lặng lẽ rút lui. Tuyệt đối không để mất lòng ai bao giờ.
Những nắm xôi, gói bắp hông của cô trao cho các chàng nho sinh, bao giờ cũng thơm và ngon hơn của người mẹ. Do đó hôm nào mà Quỳnh vắng mặt, y như là gánh hàng bị ế, phải gánh trở về gần quá nửa.
Trong nhóm nho sinh, có một anh chàng trai tên là Giao. Chàng Giao thanh tú học giỏi, lại lịch thiệp. Nhưng nhà chàng cũng nghèo, hơn nữa mãi lo đèn sách nên chưa tính chuyện thành thân với ai.
Ngày ngày, chàng đi qua đó, cũng vào mua một đồng xôi ăn sáng như những nho sinh khác. Chàng cứ đứng ngẩn ngơ nhìn Quỳnh mà chưa biết làm sao. 
Một hôm, Quỳnh đang mãi xới xôi cho một nho sinh, khi ngửng lên thì chợt bắt gặp ánh mắt si mê đang nhìn mình đắm đuối của chàng. Linh cảm của người con gái mách bảo với Quỳnh rằng: "Chàng đang yêu nàng." Quỳnh cũng đáp lại ánh mắt, tình cảm đó bằng nụ cười duyên dáng, rồi khẽ nghiêng mình ba cái như thường ngày, ngỏ ý chào chàng. Khuôn mặt của Quỳnh bỗng ửng hồng rạng rở chưa từng thấy. Khiến chàng trai càng si tình, đắm đuối nhiều hơn.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Sự tích Hoa Đào

HOA ĐÀO
Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng.

Có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy. 

Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái. 

Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. 

Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Tuy nhiên về sau, người ta quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này vì không còn tin vào ma quỷ, thần linh như tổ tiên ngày xưa.

Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.

http://kenhsinhvien.net/forum/su-tich-hoa-dao-ngay-tet.77354.html

Sự tích Hoa Mai Vàng

HOA MAI VÀNG
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm, yêu cả ba ông Táo bằng đá núi đêm ngày chịu khói lửa để nấu cơm, hầm ngô, nướng thịt cho mọi người ăn. Một lần, thương ba ông Táo, trời đã nóng lại chịu lửa suốt ngày đêm, cô bé mới lên năm ấy đã lấy một gáo nước to dội luôn lên đầu ba ông. Tro khói bốc lên mù mịt. ông Táo già nhất vụt hiện ra nói: 

- Cháu thương ta nhưng chưa hiểu ta. Lửa càng nóng, ta càng vui. Cháu mà dội nước thì có ngày ta bị cảm mất. 

Từ đấy, cô bé không dội nước lên đầu ba ông Táo nữa. Nhưng ông Táo già thì thỉnh thoảng lại hiện lên trò chuyện với hai chị em cô bé trong chốc lát. Một hôm thương ông, cô em hỏi: 

- Ông thích lửa thôi à? Ông còn thích gì nữa không? 

-Có chứ! Năm sắp hết. ông phải về trời! Cháu bắt cho ông con cá chép ông cưỡi về Trời thì ông thích nhất. Cô bé liền rủ chị đi bắt cho bằng được một con cá chép về. Cô bỏ ngay vào bếp lửa rồi nói: 

- Ông Táo ơi! Chúng cháu biếu ông con chép này đây!
Con cá chép vụt biến mất. Tối hăm ba Tết, quả nhiên hai chị em thấy ông hiện ra, sau đó cưỡi con cá chép như cưỡi ngựa, bay ra khỏi nhà và bay cao mãi lên trời... Bố cô bé là một người đi săn thú rất tài giỏi. Ông thường chỉ thích đi săn thú dữ. Ông bảo:

- Còn thú ác thì tôi còn đi săn cho kỳ hết!

Ông không muốn truyền nghề cho con mình, vì cả hai đều là gái. Nhưng cô em lại rất thích nghề của cha. Lên năm cô đã xin cha dạy cho mình đủ cả côn, quyền và đao kiếm. Cô tuy bé người nhưng nhanh nhẹn vô cùng, và về sức mạnh của đôi tay cô, người cha cũng phải kinh ngạc. Lên chín, cô đã hăm hở xin theo cha đi săn thú. Người mẹ và người chị lo lắng, nhưng cô bé đã thưa ngay:

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Sự tích Hoa Anh Đào



HOA ANH ĐÀO
Ngày xưa ở xứ Phù Tang chưa có hoa Anh Đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi Phú Sĩ, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt ghé nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi. Lúc đấy đang mùa đông, tuyết rơi tầm tã, vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm: " Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài, nó trở thành một kiếm sĩ lừng danh".

Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẩy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: " Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này". Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị Samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình " oan nghiệt" và chấp nhận.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những Samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận, biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Con gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng, Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên Phú Sĩ Sơn, đêm đã tràn ngập trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ.

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Sự tích Hoa Dạ Lan Hương



Xưa, có một người đàn bà nghèo cô đơn sống nghề bằng trồng rau ở ven sông. Một hôm, bà lão nghĩ: “Ước gì ta có được một mụn con cho vui cửa vui nhà”.

HOA DẠ LAN HƯƠNG
Sáng hôm sau, khi ra vườn, bà nhìn thấy một cái bọc, bên trong có một bé gái xinh xắn. Bà chắp tay cảm tạ Trời Phật rồi bế cô gái vào nhà, lòng mừng vui khôn xiết.

Từ đó, bà nhận cô bé làm con nuôi và thương yêu cô bé hết lòng. Bà nhường thức ăn và quần áo đẹp cho cô bé, còn bà chỉ ăn khoai sắn và mặc quần áo cũ. Nhưng bà rất vui vì có cô con gái xinh đẹp. Dân làng ai cũng trầm trồ khen cô bé. Thấy vậy, cô bé sinh ra kêu căng và lười nhác.

Một buổi sáng, ông mặt trời đã lên cao mà cô bé vẫn ngủ, chú Ong Vàng đến đậu bên cửa sồ khẽ nhắc:

- Cô bé ơi! Nắng sớm lên rồi! Hãy dậy và ra vườn tưới rau giúp mẹ!

Cô bé uể oải vươn vai, gắt gỏng:

- Ong Vàng hãy đi đi! Nếu ta xách nước tưới rau thì bàn tay ngọc ngà của ta sẽ bị chai cứng mất.

Nghe vậy, Ong Vàng liền bay đi. Buổi chiều, Ong Vàng lại bay đến cửa sổ. Thấy cô bé đang ngồi soi gương, chải tóc, Ong Vàng nhắc:

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Sự tích Hoa Bằng Lăng


HOA BẰNG LĂNG
Ngày xửa ngày xưa, trên thiên đình, Ngọc Hoàng có mười hai cô công chúa xinh đẹp, mỗi người một vẻ, rất được Ngọc Hoàng thương mến, luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho các con của mình. Một ngày kia, Ngọc Hoàng cho gọi mười hai cô công chúa của mình lại và ban cho một đặc ân là sẽ cho các con mình làm nữ hoàng các loài hoa dưới trần. Cả mười một cô đều chọn cho mình một loài hoa, cô thì chọn hoa hồng, cô thì hoa lan, cô kia lại hoa lyly…duy chỉ có cô út là phân vân mãi không chọn được loài hoa nào. Đến khi Ngọc Hoàng lên tiếng hỏi, cô mới thưa rằng:

“Thưa phụ hoàng, từ nhỏ đến giờ con rất thích màu tím thơ ngây nên mong phụ hoàng hãy cho con làm nữ hoàng của loài hoa mang màu tím ấy!”

Ngọc Hoàng suy nghĩ tới, suy nghĩ lui mới quyết định cho nàng công chúa bé bỏng của mình làm nữ hoàng loài hoa Bằng Lăng.

Sự tích Hoa Phượng

Ngày xưa, xưa lắm, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn. 
HOA PHƯỢNG 
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn... Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng... Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.

Sự tích Hoa Mộc Lan

Ở Nhật Bản có một người con gái tên là Câycô, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà nghèo, ngay từ khi còn nhỏ nàng đã phải tự đi làm để kiếm sống.
HOA MỘC LAN
Một cô bé như nàng phỏng có thể làm được việc gì? Nàng phải làm hoa giấy đem ra phố bán. Nhưng hoa bán đã nhiều, mà tiền thu về chẳng đáng là bao. Khi đã ra dáng một thiếu nữ. Câycô cũng không có đủ tiền sắm nổi một bộ Kimônô mà các cô con nhà quý phái vẫn mặc.
Một đêm nọ, khi Câycô đang mải làm việc trong phòng của mình, bỗng có một con vẹt bay đến đậu trên bậc cửa sổ bỏ ngỏ. Đôi cánh màu xanh của nó đã nhợt nhạt, có lẽ nó đã già song vẫn còn đủ minh mẫn và biết nói tiếng người.
- Đừng đuổi ta, ta sẽ tiết lộ cho nàng một điều bí mật về cách làm giàu.
- Vẹt yêu quí ơi, cớ sao ta lại đuổi mi - Câycô buồn bã mỉm cười - ở đời ta chẳng còn biết thổ lộ tâm tình với ai, thế mà mi lại nói được tiếng người. Cứ ở lại đây, cùng chia nghèo, sẻ khổ với ta, còn sự giàu sang, phú quý, tốt nhất là chẳng nên màng tới, vì ta rất xa lạ với chuyện ấy.
- Đa tạ Câycô tốt bụng - Vẹt gật gù - Trước khi đi tìm chủ mới, ta đã chăm chú theo dõi các cô gái bán hoa, và ta đã thấy nàng tặng bông hoa đẹp nhất của mình cho một cô gái nghèo như thế nào rồi. Cô gái nghèo ấy không có tiền nhưng lại rất muốn làm cho người bà ốm yếu của mình được thanh thản nỗi lòng.
Nhưng vì sao ngươi lại phải đi tìm chủ mới? - Câycô hỏi - Phải chăng chủ cũ không tốt với mi?
- Bà ta đã qua đời - Vẹt đau đớn báo tin, rồi im lặng giây lát - Bà ta chết vì tham lam.
- Bà ấy nghèo lắm à? - Câycô hỏi tiếp.
- Không, rất giàu là đằng khác. Song với bà, như thế còn quá ít. Bà đã bán đến giọt máu cuối cùng để lấy vàng - Vẹt nguẩy mỏ vẻ trách móc.
- Đổi máu lấy vàng là thế nào, ta không hiểu? - Câycô ngạc nhiên.
- Chuyện là thế này. Bà chủ của ta cũng làm nghề bán hoa giấy như nàng, song có một mụ phù thuỷ đã tiết lộ cho bà một bí mật về cách làm cho hoa giả trở thành hoa tươi, nghĩa là phải lấy máu của mình tiếp sức cho các cành hoa. Chính nàng cũng thừa hiểu hoa tươi quý như thế nào rồi. Chẳng bao lâu bà chủ trở nên giàu có. Lúc đó mụ phù thủy đã báo trước cho bà ta rằng, dù thế nào cũng chớ có hiến đến giọt máu cuối cùng. Nhưng với bà chủ của ta, dầu có tích góp được bao nhiêu của cải cũng vẫn cứ là ít. 

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Sự tích hoa hồng


Ngày xửa ngày xưa thật xưa lắm, có một quốc vuơng ở tận phương trời xa xôi bên một khu rừng rộng lớn và rậm rạp. Vương quốc nầy sống thật hòa bình và yên vui sau một thời gian dài triền miên người dân phải đấu tranh để dành quyền độc lập. Và vị anh hùng chỉ huy người dân của quốc gia này đã được dân chúng tôn lên làm vị vua đầu tiên. 

Sau thời gian dài chinh chiến, họ chỉ lo an hưởng thái bình và sống cho những quyền lợi của cá nhân mình. Vị hoàng đế kia cũng vậy, ngất ngưỡng trên ngai vàng và hào quang của quyền vị, ông đã bỏ bê việc nước, quên cả chăm sóc cho dân và để mặc lũ bầy tôi tham danh lợi cai trị dân chúng. Vì muốn hoàng đế lảng quên với việc triều chính, bọn tham quan đã chọn một thiếu nữ đẹp tuyệt vời để vua lập làm hoàng hậu . Nhưng trái với ý muốn của bọn quan lại, hoàng hậu lúc nào cũng hết lời khuyên răn nhà vua nên lo cho dân chúng và chỉnh đốn việc triều chính. Lũ quan lại rất ghét hoàng hậu, nhưng không làm gì được vì nhà vua quá thương yêu nàng. 

Cho đến ngày kia, sau một thời gian thụ thai, hoàng hậu sinh ra một đứa bé thật kháu khỉnh, dễ thương. Lạ lùng thay, thân thể của đứa bé trai đó lại trong suốt như pha lê, đến độ thấy rõ từng đường gân, mạch máu và trái tim. Thấy cơ hội đã đến, bọn tham quan bèn dèm pha với nhà vua rằng hoàng hậu là một phù thủy trá hình và tuyên truyền tin này ra ngoài cho toàn dân.